1. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân trên thẻ BHYT

Bên cạnh việc cho phép chi nhánh doanh nghiệp được đóng BHXH tại công ty mẹ,Quyết định 888/QĐ-BHXH sửa đổi Quy trình thu BHXH, BHYT… còn quy định cụ thể về hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân trên thẻ BHYT.

Theo đó, trường hợp do người tham gia kê khai sai so với hồ sơ gốc và trường hợp người tham gia do cơ quan BHXH quản lý đề nghị điều chỉnh để đi khám và chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế cần nộp chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Riêng trường hợp đơn vị kê khai sai so với hồ sơ của người tham gia, cơ quan BHXH phải thực hiện rà soát, thông báo và phối hợp với đơn vị điều chỉnh.

Quyết định 888/QĐ-BHXH được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 16/7/2018, có hiệu lực cùng ngày.

  1. Tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo qua Triển lãm số 3D

Ngày 28/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020.

Một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động tuyên truyền là tổ chức triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt  Nam trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc, kết hợp phương pháp trưng bày truyền thống với triển lãm số 3D.

Bên cạnh đó, tổ chức triển lãm số 3D thông qua hệ thống máy chiếu, sa bàn số bằng máy tính xách tay, máy tính bảng tại các trường THPT, THCS trên toàn quốc.

Đề án này đặt ra mục tiêu 90% giáo viên giảng dạy môn lịch sử, địa lý trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam; 100% học sinh, sinh viên được cung cấp thông tin, kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 28/7/2018.

  1. Sẽ ban hành 2 Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng

Trong Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo chủ trì văn bản quy định chi tiết thi hành các luật vừa được thông qua kèm theo Quyết định 851/QĐ-TTg, có 03 văn bản sẽ được ban hành để hướng dẫn Luật An ninh mạng.

Bao gồm:

  1. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng (khoản 2 Điều 5);
  2. 2. Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng (khoản 4 Điều 10; khoản 5 Điều 12; khoản 1 Điều 23; khoản 7 Điều 24; khoản 4 Điều 26; khoản 5 Điều 36);
  3. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 3 Điều 10; khoản 3 Điều 43).

Cả 03 văn bản nêu trên đều do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và được trình hoặc ban hành trong tháng 10/2018.

Quyết định 851/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/7/2018.

  1. Hướng dẫn mới nhất về tiền lương đóng BHXH bắt buộc

Ngày 30/7/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn 3016/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn về tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018.

Cụ thể, tiền lương đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong đó:

- Phụ cấp lương là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính đến chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung khác là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

- Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật; trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động…

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo không kiểm tra quá 3 lần/năm

Ngày 26/07/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định 2692/QĐ-BGDĐT Quy định về công tác kiểm tra của Bộ.

Về nguyên tắc, việc kiểm tra phải đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện trên cơ sở quyết định kiểm tra hoặc văn bản kiểm tra của người có thẩm quyền. Không bố trí kiểm tra quá 03 lần/năm và 02 lần/tháng đối với 01 đối tượng kiểm tra (trừ trường hợp kiểm tra đột xuất).

Tùy theo hình thức kiểm tra (theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất), người ra Quyết định kiểm tra quy định về thời hạn kiểm tra nhưng không quá 05 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng quyết định.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. 5 Tiêu chuẩn mới với hiệu trưởng trường phổ thông

Ngày 20/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông

Thông tư này đặt ra 5 Tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có: Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Trong đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ được đánh giá ở 03 mức: Mức đạt (giao tiếp thông bằng thường ngoại ngữ); Mức khá (chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh trong trường); Mức tốt (sử dụng ngoại ngữ thành thạo).

Theo Thông tư này, Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học; Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ 02 năm một lần vào cuối năm học; chu kỳ đánh giá có thể rút ngắn trong trường hợp đặc biệt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/09/2018.

  1. Hà Nội: Trường lạm thu, xử lý nghiêm hiệu trưởng

Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Công văn 3464/UBND-KGVX về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2018 - 2019.

Công văn nhấn mạnh, sẽ xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan Nhà nước về giáo dục trên địa bàn nếu để xảy ra tình trạng lạm thu.

Cũng theo Công văn này, tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Cụ thể, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau:

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường

- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên nhà trường

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nhà trường.

Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện.

  1. Cắt giảm điều kiện kinh doanh vàng trang sức

Đây là một trong những nội dung nằm trong phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, với điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước thống nhất bãi bỏ 02 điều kiện:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Phương án này được phê duyệt tại Quyết định 1417/QĐ-NHNN ngày 09/07/2018.

  1. Khuyến khích đi công tác nước ngoài bằng hàng không giá rẻ

Ngày 23/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Chỉ thị 03/CT-NHNN về tăng cường quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với rất nhiều nội dung đáng chú ý.

Cụ thể như:

- Lãnh đạo phải gương mẫu, cân nhắc kỹ việc đi công tác nước ngoài; không bố trí 02 lãnh đạo chủ chốt cùng tham gia một đoàn công tác; không tham gia đoàn đi nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ…

- Các đoàn đi công tác nước ngoài phải tiết kiệm trong việc sử dụng phương tiện đi lại, khuyến khích sử dụng hàng không giá rẻ; tặng phẩm cho nước ngoài gọn nhẹ, tiết kiệm, có ý nghĩa văn hóa.

- Không tổ chức các đoàn giao lưu, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực bằng ngân sách Nhà nước.

- Hạn chế tối đa việc cử đi nhưng lại hoãn, lùi thời gian hoặc không đi để tham gia đoàn công tác khác, gây ảnh hưởng đến việc triển khai và mối quan hệ với đối tác

-  Không tổ chức chiêu đãi, mời cơm thân ở nước ngoài (trừ trường hợp đặc biệt cần thiết).

- Trong 05 ngày sau khi kết thúc chuyến công tác nước ngoài, cán bộ công chức phải nộp lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.

  1. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng

Đây là một trong những nội dung được ban hành tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của ngành vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau:

- Năm 2018:

+ Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45% 

+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90% 

- Năm 2019:

+ Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%.

+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31/7/2018.

  1. 7 văn bản lĩnh vực bồi thường Nhà nước bị bãi bỏ

Theo Thông tư 11/2018/TT-BTP ngày 30/7/2018, Bộ Tư pháp đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước.

Cụ thể, có 7 văn bản lĩnh vực nêu trên bị bãi bỏ, trong đó có:

Thông tư 03/2013/TT-BTP hướng dẫn quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính;

Thông tư liên tịch 04/2013/TTLT-BTP-BQP hướng dẫn quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự;

Thông tư số liên tịch 06/2014/TTLT-BTP-TTCP-BQP hướng dẫn khiếu nại, giải quyết khiếu nại về bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự

Thông tư 13/2015/TT-BTP sửa đổi Thông tư 03/2013/TT-BTP hướng dẫn quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính…

Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước 1/7/2018 nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng các Thông tư, Thông tư liên tịch nêu trên để giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/9/2018.

  1. Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới trong 5 ngày

Vừa qua, Bảo hiểm xã Hội Việt Nam đã ban hành Quyết định 772/QĐ-BHXH công bố thủ tục thay thế trong lĩnh vực thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT)…

Quyết định này quy định thời gian giải quyết đối với các thủ tục về BHXH, BHYT, BHTN… như sau:

- Trường hợp cấp sổ BHXH, thẻ BHT mới: Không quá 05 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ;

- Trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất: Không quá 05 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ;

- Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Không quá 10 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ;

- Trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Không quá 03 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ;

- Trường hợp xác nhận sổ BHXH: Không quá 05 ngày.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/6/2018.

  1. Hà Nội tựu trường năm học mới muộn nhất ngày 24/8

Ngày 31/7, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 3853/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thời gian năm học đối với bậc mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên năm học 2018 - 2019.

Thời gian cụ thể được Thành phố ấn định như sau:

- Ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học sớm nhất là ngày 01/08/2018, muộn nhất là ngày 24/8/2018.

- Ngày khai giảng trên toàn Thành phố là ngày 5/9/2018.

- Kết thúc học kỳ I trước ngày 20/1/2019, học kỳ II trước 25/5/2019 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2019.

- Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nghiệp tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6/2019

- Thi THPT quốc gia, thi học sinh giỏi quốc gia và thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Sẽ hình thành chuỗi đô thị thông minh vào năm 2030

Đây là mục tiêu được đề ra tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 01/08/2018 tại Quyết định 950/QĐ-TTg.

Cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị.

- Giai đoạn đến năm 2025: Thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh, trong đó thí điểm áp dụng cơ chế cấp chứng nhận khu đô thị mới thông minh…

- Giai đoạn đến năm 2030: Hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa.

Trong đó, hình thành chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Một trong những nội dung của Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam là phát triển hạ tầng đô thị thông minh, trong đó có: Phát triển chiếu sáng đô thị thông minh; Phát triển lưới điện thông minh; Phát triển giao thông thông minh, hệ thống điều khiển hướng dẫn cho người tham gia giao thông; Phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải đô thị thông minh….

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Các trường ĐH phải cam kết chất lượng đào tạo trên website

Ngày 27/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-BGDĐT quy định tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Thông tư chỉ rõ, các trường đại học, cao đẳng sư phạm phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường các thông tin như:

- Nhóm thông tin cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính.

- Đề án tuyển sinh, thông tin tuyển sinh; Thông tin liên quan đến điều kiện, hồ sơ, thủ tục, thời gian và địa điểm đăng ký dự thi, sơ tuyển, xét tuyển; Kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển…

- Hệ thống thư viện số, hệ thống học tập trực tuyến; giải đáp yêu cầu của sinh viên về các vấn đề có liên quan đến cơ sở giáo dục đại học; Thông tin học bổng, tín dụng vay vốn và các dịch vụ hỗ trợ khác cho sinh viên…

Thông tư này cũng yêu cầu các trường đại học phải cung cấp miễn phí email tên miền riêng cho các đơn vị trực thuộc, cho cán bộ quản lý, giảng viên. Khuyến khích cung cấp email cho nghiên cứu sinh, học sinh cao học, sinh viên.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/09/2018.

  1. Giao chỉ tiêu phát triển BHXH cho các địa phương

Ngày 3/8/2018, Chính phủ ra Nghị quyết 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Nghị quyết yêu cầu UBND các cấp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp năm 2018 và năm 2010 tại địa phương, trình HĐND cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo:

- Đối với BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp: Ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất 95% vào cuối năm 2020;

- Đối với BHXH tự nguyện: Tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau so với năm trước ít nhất bằng 30 – 50% so với năm trước.

  1. 3 loại hàng hóa khi gia hạn quá cảnh phải xin phép Bộ Công Thương

Ngày 26/7 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 4408/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc gia hạn thời gian quá cảnh.

Công văn nêu rõ, khi gia hạn thời gian quá cảnh với những loại hàng hóa sau phải được Bộ Công Thương cấp phép:

- Hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

- Hàng hóa quá cảnh thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hóa cấm kinh doanh.

Các trường hợp hàng hóa quá cảnh khác thuộc thẩm quyền gia hạn của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh thì trên cơ sở văn bản xin gia hạn thời gian quá cảnh của người khai hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan nơi làm thủ tục xem xét lý do gia hạn thời gian quá cảnh là phù hợp và đáp ứng các điều kiện đảm bảo nguyên trạng trong thời gian lưu kho trên lãnh thổ Việt Nam thì chấp nhận gia hạn.

Nếu có thông tin hoặc nghi vấn lô hàng có dấu hiệu vi phạm, Cục trưởng phải chỉ đạo Chi cục Hải quan liên quan kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi gia hạn thời gian quá cảnh.


 

Đang truy cập: 4
Trong ngày: 107
Trong tuần: 335
Lượt truy cập: 1556087
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com